Máy trợ giảng là một thiết bị nhỏ, gọn, dùng để thay thế cho hệ thống loa – ampli to lớn và nặng nề. Thiết bị này đang được nhiều giáo viên sử dụng vì sự tiện dụng của nó.
Máy trợ giảng giúp giáo viên có thể dạy được nhiều hơn vì không cần phải nói to, chỉ với một cái micro không dây nhỏ đeo ở tai, nói vừa phải, loa sẽ khuyếch đại âm thanh để tất cả học sinh đều nghe rõ, giáo viên vừa giảng bài, vừa viết bảng rất thuận tiện. Nó rất nhỏ gọn và dùng pin sạc nên có thể mang đi dạy ở nhiều nơi mà không tốn nhiều công sức, cũng không phụ thuộc vào nguồn điện.
Từ lúc đầu chỉ có vài loại máy của Trung Quốc được nhập về thăm dò thị trường, cho đến nay, thị trường máy trợ giảng đã có sự tham gia của rất nhiều hãng sản xuất, chủ yếu là của Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), như: V-Plus, Samlap, Takstar, Camac UNIZONE… Với nhiều loại giá cả, thấp nhất là khoảng 400 ngàn đến vài triệu đồng.
Máy trợ giảng bao gồm 3 phần chính: micro không dây, bộ thu phát sóng và loa. Micro không dây gồm 3 loại: cầm tay (nhỏ gọn hơn so với micro thông thường), cài áo và cài đầu. Thường thì giáo viên thích loại cài đầu hơn vì ở vị trí này nó thu âm tốt hơn, tính thẩm mỹ cũng cao hơn. Tuỳ vào lớp học mà sử dụng máy có công suất từ 10 W đến 120W. Nhiều máy có hỗ trợ đọc USB, thẻ nhớ SD Card, nghe FM radio, nên không chỉ dùng để giảng bài mà khi cần có thể nghe nhạc…
Theo các kỹ thuật viên trong ngành, máy giá rẻ thường không tốt bằng máy mắc tiền ở chỗ: cộng hưởng âm (có tiếng rít ), thời gian sử dụng pin không được lâu: thường là từ 2-4 giờ (thời gian đầu), âm thanh phát ra không trung thực, thường bị méo tiếng; khi vặn lên mức max thì hay bị rè, rít gây khó chịu; các mẫu nhỏ thì công suất thấp. Nếu muốn có công suất cao thì phải dùng loại loa to có kèm một bộ phát nhưng như vậy khá cồng kềnh. Mặt khác khi sử dụng loại máy này, người sử dụng bất cẩn đi đến quá gần loa sẽ gây ra sự cộng hưởng.
Các loại máy chất lượng tốt, giá có mắc hơn một chút nhưng khi sử dụng mới thấy “đáng tiền”. Chỉ khoảng trên 1,5 triệu đồng là có thể mua được loại máy kha khá, dùng được.
Máy tốt thường có kiểu dáng nhỏ gọn hơn, có loại chỉ to bằng bao thuốc lá, có thể đeo trước ngực, bên hông hoặc đặt trên bàn, khi dùng xong thì có thể cất gọn vào túi xách. Điểm quan trọng nhất khi chọn mua máy là âm thanh truyền phát đi phải rõ ràng, yêu cầu này thì các máy giá rẻ thường không đáp ứng được, nên chọn loại máy có giá từ 1 triệu trở lên, máy của Hàn Quốc có giá là 1,5 triệu đồng cũng có thể là một lựa chọn, âm thanh khi truyền qua mic đến với bộ khuyếch đại tạo ra âm thanh trung thực, sống động kể cả trong phạm vi phòng học cỡ lớn 60 m2.
Một số máy có bộ khuyếch đại có chức năng hạn chế cộng hưởng, lọc tạp âm mang lại chất lượng âm thanh tối ưu hơn. Với micro thông thường, khi nói, âm thanh đưa đến bộ khuyếch đại đi ra ngoài đến tai người nghe không chỉ là là những gì người đó nói mà còn có cả những tạp âm xung quanh lẫn vào làm cho âm thanh không trong, không rõ chữ. Với máy được trang bị micro định hướng âm thanh, khi phát ra sẽ không bao gồm tạp âm, âm thanh trong trẻo, sắc nét hơn. Đối với một số máy, khi vặn âm lượng lên mức max thì máy phát ra những tiếng rít chói tai hay tiếng ù ù rất khó chịu. Khi mua bạn phải thử, chọn loại nào có bộ khuyếch đại chống được những tiếng rít này mới tốt.
Chọn loại máy có thời lượng pin dùng được lâu cũng là một vấn đề cần quan tâm, các loại máy rẻ tiền thì chỉ dùng được khoảng 2 – 3 tiếng là hết, đó là chưa kể hiện tượng “chai” pin xảy ra rất nhanh chóng. Nên chọn máy dùng loại pin lithium, có thể sạc được và sử dụng liên tục trong 10 giờ trở lên. Ngoài ra cũng nên xem máy có một số chức năng khác như: mức âm lượng, thời lượng pin được hiển thị trên màn hình, có ổ cắm nối thẳng tới loa hay không…
Khi mua cũng cần xem máy có bao gồm đầy đủ các linh kiện hay không, thông thường đều có 2 micro, micro đeo nhỏ gọn và micro cầm tay có nút bật tắt; một đai đeo hông và một dây đeo cổ…